Thực hiện văn bản số 4100/CHHVN-PC ngày 05/10/2021 của Cục Hàng hải Việt Nam về việc hướng dẫn tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 09/11). Do tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, để đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, cũng như chú trọng trong công tác đổi mới, đa dạng các hình thức hưởng ứng, tiết kiệm và có sự lan tỏa sâu rộng, Cảng vụ hàng hải Bình Thuận đẩy mạnh công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2021 chủ yếu tập trung tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử của đơn vị.
Mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật: Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò quan trọng đặc biệt, vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, yêu cầu tăng cường vai trò của pháp luật là một tất yếu khách quan. Cùng với việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống trở thành yêu cầu cấp thiết, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp. Ngày Pháp luật là một trong những hình thức, biện pháp, là một mô hình triển khai cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu đó.
Thông qua Ngày Pháp luật giúp cho mọi tổ chức, cá nhân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật. Qua đó, những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội; từ đó hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp. Đồng thời, đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do vậy, đây còn là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Nguồn gốc ra đời của Ngày Pháp luật: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc sử dụng công cụ pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Ngày 09 tháng 11 năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành và đánh dấu mốc son trong lịch sử lập pháp của Việt Nam. Hiến pháp 1946 đã thấm nhuần, thể hiện triệt để tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Xuất phát từ tư tưởng của Người nên các bản Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 thì những tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta. Ngày Pháp luật không chỉ giới hạn chỉ là ngày 09/11, mà được coi là điểm mốc, xuyên suốt, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, nhắc nhở, giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật, để không chỉ là một ngày, mà phấn đấu sẽ là 365 ngày trong một năm mọi tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật thực hiện khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Chính vì vậy, theo đề xuất của Chính phủ, ngày 09/11 – Ngày ban hành Hiến pháp 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngày Pháp luật); đã được chính thức luật hóa trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012. Tại Điều 8 của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 quy định: “Ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
Để kịp thời hưởng ứng Ngày Pháp luật, Cảng vụ hàng hải Bình Thuận đã lựa chọn một số các quy định pháp luật có liên quan trong lĩnh vực hàng hải mà đơn vị đang quản lý để tiếp tục giới thiệu, tuyên truyền, phổ biến đến các viên chức, người lao động trong đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan biết, chủ động tìm hiểu, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Công ước SAR 79 (công ước quốc tế về tìm kiếm cứu nạn trên biển): Nhằm hỗ trợ các phương tiện bị nạn trên biển. Công ước quy định rất rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ của các quốc gia có biển phải tiến hành các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong vùng biển thuộc trách nhiệm của mình. Việt Nam tham gia Công ước SAR-79 từ năm 2007 và tuân thủ chặt chẽ các quy định của Công ước quốc tế có liên quan đến việc tìm kiếm cứu nạn trên các vùng biển.
Công ước SOLAS 74 (Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển): Nhằm đưa ra các tiêu chuẩn tối thiểu về kết cấu, trang bị và khai thác tàu để bảo vệ an toàn sinh mạng cho tất cả mọi người trên tàu biển, bao gồm cả hành khách.
Công ước MARPOL 73/78 (Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra): Nhằm ngăn chặn ô nhiễm gây ra do vận chuyển hàng hóa là dầu mỏ, hàng nguy hiểm, độc hại, cũng như do nước, rác và khí thải ra từ tàu.
Bộ Luật hàng hải Việt Nam 2015: Quy định về hoạt động hàng hải, bao gồm các quy định về tàu biển, thuyền viên, cảng biển, luồng hàng hải, cảng cạn, vận tải biển, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường, quản lý nhà nước về hàng hải và các hoạt động khác liên quan đến việc sử dụng tàu biển vào mục đích kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao, công vụ và nghiên cứu khoa học.
Nghị định 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều củ Bộ Luật hàng hải Việt Nam: Quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải, bao gồm: Đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển, luồng hàng hải, công trình hàng hải, báo hiệu hàng hải, thông báo hàng hải, hoạt động của hoa tiêu hàng hải và quản lý hoạt động của tàu thuyền tại cảng biển và trong vùng biển Việt Nam. Các quy định tại Nghị định này về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường cũng được áp dụng đối với cảng quân sự, cảng cá và cảng, bến thủy nội địa nằm trong vùng nước cảng biển.
Nghị định 142/NĐ-CP ngày 11/12/2017 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng hải: Quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.
Nội quy cảng biển Bình Thuận và Cà Ná – tỉnh Ninh Thuận ngày 01/7/2021 của Cảng vụ hàng hải Bình Thuận: Ban hành các quy định cụ thể về hoạt động hàng hải tại cảng biển thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận, khu vực Cà Ná – tỉnh Ninh Thuận trên cơ sở quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015, Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải, Thông tư số 21/2019/TT-BGTVT ngày 12/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải công bố vùng nước cảng biển thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận, vùng nước cảng biển Bình Thuận – Ninh Thuận tại khu vực Vĩnh Tân – Cà Ná và khu vực quản lý của Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận.
Trên cơ sở các quy định pháp luật có liên quan trong lĩnh vực hàng hải nêu trên mà Cảng vụ hàng hải Bình Thuận giới thiệu, các viên chức, người lao động trong đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan tích cực tìm hiểu, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Ngoài ra, để đảm bảo kịp thời nắm bắt các văn bản, quy định pháp luật mới ban hành trong lĩnh vực hàng hải, Cảng vụ hàng hải Bình Thuận sẽ thường xuyên cập nhật lên hệ thống Cổng thông tin/Trang điện tử của đơn vị.