Cảng vụ hàng hải Bình Thuận hình thành và phát triển (19/10/2009 – 19/10/2021)

Trải qua mười hai năm hình thành và phát triển (19/10/2009 – 19/10/2021), tập thể cán bộ viên chức, người lao động Cảng vụ hàng hải Bình Thuận tự hào vì đã luôn đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của đơn vị, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế biển địa phương, của ngành Hàng hải và của ngành Giao thông vận tải.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải tại khu vực, góp phần thúc đẩy lợi thế, tiềm năng kinh tế biển Bình Thuận phát triển, ngày 19/10/2009, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 3042/QĐ-BGTVT thành lập Cảng vụ hàng hải Bình Thuận trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam. Cảng vụ hàng hải Bình Thuận có chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng hải tại khu vực tỉnh Bình Thuận và phụ cận. Trải qua mười hai năm hình thành và phát triển, đến nay, tập thể viên chức, người lao động Cảng vụ hàng hải Bình Thuận rất tự hào vì đã luôn đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo trong lao động, trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của đơn vị, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế địa phương, ngành Hàng hải và ngành Giao thông vận tải.

Mỗi tháng năm công tác đều đánh dấu những nỗ lực vượt khó vươn lên của đơn vị cùng với sự quan tâm và hỗ trợ hết mình trong phạm vi có thể của Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam và UBND tỉnh Bình Thuận. Qua 12 năm xây dựng, trưởng thành, Cảng vụ hàng hải Bình Thuận đã không ngừng đổi mới, lớn mạnh toàn diện, góp phần vào việc thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam theo Nghị quyết 36-NQ/TW phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Những ngày đầu thành lập, đơn vị phải đi thuê, mượn văn phòng làm việc; thuê cả phương tiện đi lại, ca-nô công vụ; vật dụng, trang thiết bị làm việc thì đơn giản, sơ sài. Với nhiệm vụ quản lý vận tải thủy tuyến Phan Thiết – Phú Quý, đầu bến Phú Quý lại nằm ở đảo, xa đất liền, điều kiện sinh hoạt tại chỗ cực kỳ khó khăn: điện và nguồn nước ngọt khan hiếm, nguồn cung nhu yếu phẩm cũng thiếu thốn, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu… nên việc tuyển dụng đội ngũ viên chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như mục tiêu chiến lược thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc là gần như không thể. Chưa kể, phần lớn các phương tiện thủy hoạt động vận tải chuyên tuyến có hệ thống máy móc, thiết bị cũ kỹ, sơ sài, không đạt chuẩn, do vậy khó bảo đảm an toàn trong điều kiện thời tiết biển khá khắc nghiệt của khu vực. Thời điểm đó, việc khủng hoảng kinh tế kéo dài cũng làm ngành vận tải biển bị ảnh hưởng, sản lượng hàng hóa và số lượt tàu thông qua các cảng biển khu vực Bình Thuận giảm đáng kể.

Phạm vi vùng nước cảng biển Bình Thuận theo thông tư số 51/2014/TT-BGTVT (khu vực: Phan Thiết, Phú Quý, Hòa Phú và các mỏ dầu khí ngoài khơi)

Phạm vi vùng nước cảng biển Bình Thuận theo thông tư số 51/2014/TT-BGTVT  (khu vực Vĩnh Tân)

Từ năm 2010, UBND tỉnh Bình Thuận tập trung nguồn lực và đẩy nhanh quá trình xây dựng các công trình trong quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2006-2015 và phát triển hạ tầng kinh tế như nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, cảng tổng hợp Quốc tế Vĩnh Tân, cảng tổng hợp Cà Ná… hiện các bến cảng này đã đưa vào khai thác và có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 DWT ra, vào được an toàn và thuận lợi. Bên cạnh đó, các công trình khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, công trình đường giao thông ven biển, công trình hạ tầng thiết yếu trên đảo Phú Quý cũng được xây dựng hoàn thành. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã  mạnh dạn đầu tư hàng loạt tàu cao tốc hiện đại, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của huyện đảo Phú Quý.

Tốc độ phát triển hạ tầng kinh tế như trên đã đặt ra yêu cầu về trình độ, năng lực của đội ngũ viên chức, người lao động của đơn vị cũng phải tương xứng, đồng bộ để đảm bảo xuyên suốt thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ. Để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới này, Lãnh đạo Cảng vụ xác định quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính để bộ máy hành chính được tinh gọn, hiệu quả; viên chức, người lao động tuân thủ kỷ cương, nề nếp, kỷ luật lao động, chú trọng xây dựng đội ngũ nhân lực có chuyên môn, phẩm chất, có trình độ và nhiệt huyết cống hiến. Với ý thức trách nhiệm, với tầm nhìn, năng lực và tâm huyết của đội ngũ, đơn vị đã phối kết hợp tốt với các cơ quan hữu quan: Biên phòng, Công an, Hải quan, Y tế… để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia và phát triển kinh tế xã hội toàn tỉnh.

Cảng biển Bình Thuận đã có bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng, cụ thể: năm 2020, số lượt tàu thuyền vào, rời khu vực cảng biển Bình Thuận đạt trên 5.800 lượt – tăng  770% so với 755 lượt năm 2010, sản lượng hàng hóa thông qua hơn 17 triệu tấn – tăng 430% so với 3,9 triệu tấn năm 2010; số tiền thu phí, lệ phí đạt trên 49 tỷ đồng tăng 930% năm so với 5,2 tỷ đồng năm 2010.

Phạm vi vùng nước cảng biển Bình Thuận theo thông tư số 21/2019/TT-BGTVT

Những năm tới, dự kiến sẽ có hàng loạt cảng biển khu vực Nam Trung Bộ được đầu tư, đưa vào hoạt động để tạo nên động lực phát triển mạnh mẽ kinh tế biển. Ngày 22/9/2021, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó, cảng biển Bình Thuận được bổ sung thêm khu bến cảng Sơn Mỹ, bến cảng Kê Gà – phục vụ trực tiếp cho khu công nghiệp Sơn Mỹ, trung tâm điện lực Sơn Mỹ, nhà máy điện khí LNG Kê Gà, các bến cảng này được thiết kế để tiếp nhận tàu có trọng tải đến 150.000 DWT. Đồng thời, Vùng nước tại khu vực bến cảng Vĩnh Tân được mở rộng thêm về phía biển có chức năng phục vụ trực tiếp cho Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Thuận nói riêng và khu vực nói chung.

 Cùng với nhiệm vụ quản lý cảng biển, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật biển vào cuộc sống nhằm nâng cao ý thức tuân thủ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng được Cảng vụ quan tâm thực hiện. Bằng nhiều hình thức và biện pháp, đảm bảo phổ biến đầy đủ chế độ, chính sách, quy định pháp luật hàng hải hiện hành đến người dân.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trong suốt những năm qua Cảng vụ hàng hải Bình Thuận cũng luôn thực hiện tốt việc chăm lo đời sống cho người lao động qua việc, Chính quyền và Công đoàn Cảng vụ luôn quan tâm đến chế độ chính sách đối với viên chức, người lao động, thông qua đối thoại, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng người lao động, để có sự hỗ trợ thiết thực cả về vật chất lẫn tinh thần cho viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Vào các dịp kỷ niệm trọng thể, lễ, tết, Cảng vụ tổ chức hội nghị, hội thảo, meeting, gây dựng phong trào thi đua văn thể mỹ, định kỳ tổ chức thăm hỏi, tặng quà, kêu gọi chung tay tham gia công tác xã hội, từ thiện…

Có thể nói, qua 12 năm hình thành và phát triển, kết quả mà Cảng vụ hàng hải Bình thuận đạt được là rất nhiều, trên hết đó là xây dựng được một tập thể đoàn kết thống nhất – nhân tố tạo nên mọi thành công của đơn vị, viên chức người lao động cơ quan luôn có ý thức trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện nay đã hoàn chỉnh bộ máy tổ chức với 2 phòng chuyên môn và 1 đại diện trên tổng số 27 viên chức, người lao động; công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cũng như chế độ chính sách đối với người lao động luôn được quan tâm.

Trong thời gian tới Cảng vụ hàng hải Bình Thuận tiếp tục tham mưu xây dựng quy hoạch phát triển cảng biển gắn với các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, qua đó, tạo động lực phát triển kinh tế biển. Cảng vụ tăng cường công tác Cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng góp phần giảm chi phí tuân thủ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.

Rất mong Cục Hàng hải Việt Nam, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa để Cảng vụ hàng hải Bình Thuận không ngừng đổi mới, lớn mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam theo Nghị quyết 36-NQ/TW phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045!

error: Content is protected !!