Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ, bằng những giải pháp quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ngành hàng hải nói chung và Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận nói riêng đã chuẩn hóa được hầu hết các thủ tục, ngày càng đem lại sự thuận lợi, hài lòng cho người dân và doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp vận tải biển đã tiết kiệm tiền thuê tàu, chi phí cầu cảng, nhân công, v.v… nhờ rút ngắn thời gian làm TTHC.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, với biến chủng mới, có mức độ lây lan nhanh trong cộng đồng. Trong thời gian qua, nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hàng hải tại khu vực và triển khai phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả, Lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận đã quan tâm, sát sao chỉ đạo thực hiện cải cách thủ tục hành chính và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị.
Công tác cải cách thủ tục hành chính của Cảng vụ Hàng hải Bình thuận được thể hiện rõ qua việc Cảng vụ đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cách thức thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng để giải quyết thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp hoạt động tại khu vực, nhằm vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động của tàu thuyền, hàng hóa tại các bến cảng được ổn định, thông suốt.
Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận tăng cường thực hiện giải quyết thủ tục điện tử đối với 11 thủ tục hành chính cho tàu thuyền vào, rời cảng trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Việc giải quyết điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia luôn duy trì cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, góp phần giảm chi phí, thời gian, hạn chế tiếp xúc khi thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định. Trong 9 tháng đầu năm 2021, công tác giải quyết thủ tục điện tử cho tàu biển vào, rời cảng đạt trên 87% tổng số lượt tàu biển ra, vào tại khu vực.
Để triển khai tốt các quy trình xử lý, giải quyết thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận đã tổ chức nghiên cứu, ban hành và niêm yết công khai Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trên Cổng thông tin/Trang điện tử của đơn vị, nhằm hướng dẫn, rút ngắn thời gian cho các tổ chức, cá nhân khi liên hệ làm thủ tục.
Ngoài ra, nhằm nâng cao hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện áp dụng một số giải pháp, giải quyết thủ tục tàu thuyền vào, rời cảng tại khu vực theo Quyết định số 1589/QĐ-BGTVT ngày 27/8/2021 của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải hàng hóa trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.
Để đảm bảo hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát các tàu thuyền hoạt động tại khu vực, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận thường xuyên duy trì các phần mềm: Phần mềm AIS; Phần mềm hệ thống truy theo tầm xa LRIT; Trang quản lý thuyền viên; Phần mềm quản lý, thu nộp hội phí IMO; Phần mềm kiểm tra tàu biển, quản lý chỉ tiêu thống kê hàng hải; Phần mềm giải quyết thủ tục tàu biển,… nhằm giải quyết công việc nhanh, gọn và hiệu quả trong môi trường mạng. Các phần mềm được đồng bộ với website của đơn vị, qua đó các tổ chức, cá nhân dễ dàng có thông tin về vị trí tàu thuyền và các thông tin liên quan khác khi truy cập.
Tuy nhiên, đó chưa hoàn toàn là kết quả tốt nhất mà Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận đề ra và thỏa mãn, để phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân, thời gian tới Cảng vụ sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp để hạn chế tiếp xúc khi thực hiện thủ tục hành chính giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời giúp cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải được thực hiện công việc dễ dàng, thuận lợi đó là:
– Tiếp tục tổ chức rà soát toàn bộ TTHC trong lĩnh vực hàng hải, công bố danh mục và nội dung TTHC được chuẩn hóa thuộc phạm vi quản lý của Cảng vụ.
– Kiến nghị với Cục Hàng hải Việt Nam có ý kiến đề xuất với Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Giao thông vận tải), Tổng cục Hải quan,.. thực hiện các TTHC đối với các phương tiện VR-SB vào, rời cảng biển trên cổng một cửa quốc gia.
– Tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa các quy chế phối hợp đã ký kết với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân và chính những người trực tiếp làm công tác quản lý chuyên ngành.